Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích khoảng 4 triệu ha, có thể xem là một vùng đất ngập nước rộng lớn. Ngày nay phần lớn diện tích đất ngập nước ĐBSCL đã được canh tác nông nghiệp. Các điểm nóng đa dạng sinh học chủ yếu là trong các khu bảo tồn chỉ chiếm chưa đến 10% diện tích đất ĐBSCL. Biến đổi khí hậu đang diễn ra với những biểu hiện như nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, thay đổi dòng chảy sông Mê Kông, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng; gây ảnh hưởng quan trọng đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học đất ngập nước ĐBSCL.

Ba yếu tố quyết định đến tính dễ bị tổn thương của hệ sinh thái trước biến đổi khí hậu là mức độ tác động của biến đổi khí hậu, độ nhạy cảm của hệ sinh thái và khả năng chống chịu của hệ sinh thái trước tác động của biến đổi khí hậu. Hành động thích ứng theo đó cần dựa vào đánh giá tính dễ bị tổn thương để xác định những rủi ro do biến đổi khí hậu, trên cơ sở đó xác định những biện pháp thích ứng hay biện pháp giảm tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, ưu tiên những hệ sinh thái, hay những loài có giá trị bảo tồn cao và bị tổn thương nhiều nhất. Ngoài ra, còn một yếu tố quan trọng đó là “sự thiếu hụt trong thích ứng”, tức là các vấn đề hiện tại đang làm suy yếu khả năng chống chịu (hay sức khỏe) của hệ sinh thái. Nói cách khác, một hệ sinh thái có sức khỏe nội tại tốt thì có khả năng thích ứng cao hơn đối với những tác động của biến đổi khí hậu so với một hệ sinh thái đã suy yếu do hàng loạt những nguyên nhân khác. Bài viết này sẽ tập trung bàn về những thiếu hụt, hạn chế trong thích ứng, đặc biệt là những thiếu hụt liên quan đến chính sách và phương thức thực hiện bảo tồn hệ sinh thái hiện nay cần điều chỉnh để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Một số xu hướng thay đổi chính liên quan đến sinh thái ĐBSCL

Suy giảm diện tích sinh cảnh tự nhiên và tính toàn vẹn của hệ sinh thái

Trong quá trình phát triển sau chiến tranh khoảng 40 năm qua, ở vùng ven biển nhiều diện tích rừng ngập mặn đã chuyển sang nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm. Ở vùng nội địa, phần lớn diện tích đồng cỏ tự nhiên và rừng tràm đã được chuyển sang nông nghiệp. Một số khu bảo tồn được thành lập để bảo vệ những điểm nóng đa dạng sinh học, nằm rải rác, thiếu kết nối. Trong khi đa dạng sinh học bên ngoài các khu bảo tồn gần như suy kiệt do sự mở rộng và thâm canh nông nghiệp, các sinh cảnh còn lại bên trong các khu bảo tồn chỉ mang tính bán tự nhiên (semi-natural). Chất lượng sinh cảnh cũng suy giảm đáng kể, chủ yếu do việc quản lý thủy văn không phù hợp với hệ sinh thái đất ngập nước.

Ô nhiễm nguồn nước

Nguồn nước mặt ở ĐBSCL bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng từ nhiều nguồn. Ở những vùng đê bao khép kín canh tác ba vụ lúa mỗi năm, nước bị tù đọng trong kênh rạch bên trong các ô đê bao, tích tụ nhiều hóa chất nông nghiệp. Các vùng nuôi thủy sản cũng thải ra một lượng lớn chất ô nhiễm hữu cơ và hóa chất vào nguồn nước. Sự phát triển nhanh các dự án công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp, nhà máy điện than, nhà máy giấy ven sông, ven biển, xả nước thải và nước làm mát vào nguồn nước đe dọa trực tiếp đến nguồn nước ĐBSCL. Hệ thống kênh rạch ĐBSCL cũng đang phải tiếp nhận một lượng lớn chất thải sinh hoạt và chăn nuôi từ các khu dân cư. Hệ sinh thái ĐBSCL chủ yếu là hệ sinh thái đất ngập nước, vì vậy ô nhiễm nguồn nước chính là ô nhiễm “máu” của hệ sinh thái.

Giảm diện tích và chất lượng than bùn

Đất than bùn phân bố chủ yếu ở vùng U Minh, bao gồm U Minh Thượng và U Minh Hạ. Theo tài liệu, đến năm 1962, diện tích than bùn vùng U Minh còn khoảng 90.000 ha, hiện nay chỉ còn 12.000 ha trong Vườn Quốc Gia U Minh Thượng, Vườn Quốc Gia U Minh Hạ và trong vùng xung quanh VQG U Minh Hạ. Độ dày của các lớp than bùn này đã và đang suy giảm đáng kể do cách quản lý thủy văn không phù hợp dẫn đến cháy và sụt lún dần vì oxy hóa.

Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai ảnh hưởng tới ĐDSH

Ngoại trừ những năm lũ lớn như năm 2000 và 2011, lũ ở ĐBSCL trong những năm qua thiên về lũ thấp và lũ trung bình. Trong những năm lũ nhỏ, lượng cá trắng từ phía thượng lưu sông Mê Kông về ĐBSCL giảm, ảnh hưởng nguồn thức ăn của các loài ăn cá, đặc biệt là chim nước. Lũ thấp cộng với việc có nhiều ô đê bao khép kín vùng đồng ngập lũ ở Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên chiếm không gian trữ lũ nên vào mùa khô dòng chảy sông Cửu Long bị yếu, xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến da đạng sinh học, đỉnh điểm là sự kiện hạn-mặn lịch sử mùa khô năm 2016.

Nắng nóng kéo dài trong mùa nắng gây khô hạn, dẫn đến rủi ro cháy rừng cao, nhất là vùng than bùn U Minh Thượng và U Minh Hạ. Nắng nóng cũng làm cho nước trong các kênh mương trong mùa khô ở các khu bảo tồn bị phân tầng, lớp nước ở trên quá nóng, ảnh hưởng đến thủy sinh. Ở những vùng đất phèn, tình trạng khô hạn trong mùa khô khiến mực nước ngầm bị hạ thấp, tầng sinh phèn bị tiếp xúc với oxy và bị kích hoạt thành phèn hoạt động. Vào đầu mùa mưa, nước mưa rửa phèn từ trong đất trôi xuống kênh mương làm cá chết hàng loạt. Ở vùng ven biển, nắng nóng trong mùa khô làm các bãi bùn, bãi cát quá nóng khiến nghêu, sò bị chết và cũng làm cá chạy dạt ra xa bờ hơn.

Những trận mưa trái mùa trong mùa nắng gây ngập cục bộ trong thời gian ngắn, ảnh hưởng năng suất củ năng – nguồn thức ăn của Sếu ở Vườn Quốc Gia Tràm Chim. Tất cả những yếu tố này đang ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của vùng ĐBSCL.

Hạn chế và thiếu hụt trong phương pháp tiếp cận bảo tồn hệ sinh thái

Trong bối cảnh những áp lực phát triển và biến đổi khí hậu đang đe dọa các hệ sinh thái và đa dạng sinh học còn lại của ĐBSCL, các phương pháp tiếp cận chính trong bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học chính hiện nay đang được áp dụng ở ĐBSCL cho thấy một số hạn chế, thiếu hụt.

Phương pháp bảo vệ nghiêm ngặt

Các khu bảo tồn được thành lập tại các vùng đất ngập nước có giá trị đa dạng sinh học cao với phương pháp tiếp cận bảo tồn được áp dụng là bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó cộng đồng địa phương không được tham gia sử dụng đất ngập nước. Phương thức này dẫn đến sự xung đột giữa các khu bảo tồn và cộng đồng xung quanh. Mặc dầu gần đây đã có một số nỗ lực thí điểm sự tham gia của cộng đồng trong sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước, song mức độ vẫn còn hạn chế.

Các khu bảo tồn đất ngập nước ở ĐBSCL thường có ranh giới rất rõ, không có vùng đệm thực chất xung quanh. Dân cư và hoạt động sản xuất thường áp sát ranh giới các khu bảo tồn. Các ban quản lý các khu bảo tồn thường không có quyền hạn hay ảnh hưởng gì đến các hoạt động sản xuất cũng như việc sử dụng hóa chất nông nghiệp ở xung quanh các khu bảo tồn. Ở những vùng rừng phòng hộ ven biển, hoạt động đánh bắt thủy sản diễn ra trên các bãi bùn ngay sát ranh giới các khu rừng phòng hộ làm cho rừng không thể tự tái sinh phát triển ra bên ngoài ranh giới rừng phòng hộ.

Bảo vệ cây là chính, chưa tập trung bảo vệ tính toàn vẹn hệ sinh thái

Các khu bảo tồn đất ngập nước được quản lý theo hệ thống rừng đặc dụng và vì vậy chịu sự chi phối của các chính sách, luật và quy định pháp lý đối với các khu rừng, trong đó cây là đối tượng bảo vệ chủ yếu trong khi các hợp phần khác, cấu trúc và các tiến trình sinh thái không được quan tâm. Cán bộ kỹ thuật của các khu này có chuyên môn chủ yếu từ ngành lâm nghiệp, vì vậy các hợp phần như đồng cỏ thường không được xem là một phần quan trọng của hệ sinh thái.

Các hệ sinh thái đất ngập nước ở ĐBSCL cùng với sự đa dạng sinh học của mình đã được hình thành và thích nghi với chu trình khô ngập luân phiên trong năm, nhưng trong quản lý thủy văn ở các khu bảo tồn đất ngập nước, chế độ luân phiên này thường không được tôn trọng. Để bảo vệ cây khỏi bị cháy, những đê cao đã được xây dựng và kênh được đào bên trong để trữ nước quanh năm làm đảo lộn động thái thủy văn, đất và thực vật của các khu này, mất đi tính toàn vẹn của hệ sinh thái và khiến nó bị tổn thương nghiêm trọng.

Rừng trồng đơn loài

Ở những khu đất ngập nước nội địa, đa số rừng tràm là tràm trồng với mật độ dày đặc, các loài cây bản địa khác không được chú ý phục hồi. Đồng cỏ không được xem là một phần của hệ sinh thái nên không được bảo vệ.

Ở vùng ven biển, nhiều rừng phòng hộ được trồng vào những năm 1980, chủ yếu với cây Đước, trong khi các loài tiên phong khác như Mấm có khả năng giúp bồi lắng phù sa và ổn định bờ biển không được chú trọng. Ở nhiều nơi chỉ có rừng đơn loài đước, sạt lở diễn ra dữ dội.

Cách quản lý than bùn không phù hợp

Ngày nay, những vùng than bùn còn lại ở vùng U Minh là chủ yếu bên trong hai vườn quốc gia U Minh Thượng, U Minh Hạ và một số diện tích nhỏ hơn với lớp than bùn mỏng hơn ở các vùng xung quanh Vườn quốc gia U Minh Hạ. Dù được bảo vệ, các lớp than bùn này đang bị xuống cấp nghiêm trọng do cháy và do quản lý thủy văn không phù hợp.

Phương pháp tiếp cận chính trong quản lý thủy văn được áp dụng ở các khu này chủ yếu là đào kênh mương và đắp đê cao để phòng và chữa cháy. Mặc dù phương pháp này đã giúp loại trừ khả năng cháy (trước năm 2002), chế độ ngập nước quanh năm không phù hợp với nhu cầu thủy văn khô ngập luân phiên theo mùa của hệ sinh thái đất ngập nước, dẫn đến sự chết hàng loạt của thảm thực vật. Mặc dù nước sau đó đã được xả ra để cứu thảm thực vật, lớp than bùn bị quá khô hạn do hệ thống kênh mương làm tổn thất nước rất nhanh trong mùa khô. Sự khác biệt về cao trình giữa những phần khác nhau của vỉa than bùn cũng gây khó khăn cho việc quản lý thủy văn. Nếu giữ mực nước theo nơi cao thì nơi thấp sẽ quá ngập, còn giữ nước theo nơi trũng thì nơi cao sẽ quá khô. Kết quả là lớp than bùn đang bị hủy hoại dần vì lửa cháy trong mùa khô, bị rửa trôi ra kênh trong mùa nước, và bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí. Lớp than bùn ở U Minh là kho carbon rất lớn. Việc hủy hoại lớp than bùn này đóng góp rất lớn vào sự phát thải carbon.

Khuyến nghị giải quyết những thiếu hụt trong thích ứng với biến đổi khí hậu

Để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, trước mắt cần ưu tiên giải quyết những thiếu hụt trong thích ứng. Những phương pháp tiếp cận sau đây được đề xuất nhằm giải quyết những thiếu hụt trong thích ứng với biến đổi khí hậu ở hiện tại:

Áp dụng phương pháp tiếp cận hệ sinh thái cho bảo tồn. Phương pháp tiếp cận quản lý các khu bảo tồn hiện nay nên được thay đổi từ phương pháp tiếp cận “bảo vệ cây là chính” sang phương pháp tiếp cận hệ sinh thái nhắm đến bảo tồn tính toàn vẹn (integrity) của hệ sinh thái, có nghĩa là bảo tồn các hợp phần, cấu trúc và các tiến trình sinh thái.

Chìa khóa để bảo vệ đất than bùn là chế độ quản lý thủy văn phù hợp để đảm bảo (a) nhịp thủy văn hàng năm với điều kiện khô ướt luân phiên theo mùa, (b) đảm bảo bề mặt của lớp than bùn vẫn ẩm nhưng không ngập nước trong mùa khô, (c) không có dòng chảy ngang, len lỏi trong lớp than bùn mang oxy vào làm oxy hóa than bùn trong nước.
Thị trường carbon, đặc biệt là thị trường tự nguyện, nên được tìm hiểu như là một công cụ tài chính cho việc bảo tồn đất than bùn và rừng.
Cộng đồng địa phương nên được tham gia sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước một cách có tổ chức.
Khi trồng rừng ngập mặn, cần chú ý trồng rừng đa loài để rừng có khả năng ổn định và bảo vệ bờ biển; tránh trồng rừng đơn loài như đước.
Quy hoạch sử dụng đất theo hướng tạo hành lang thân thiện với đa dạng sinh học kết nối các khu bảo tồn riêng lẻ.
Thiết lập các vùng đệm thực sự xung quanh các khu bảo tồn, quy định hạn chế sử dụng hóa chất nông nghiệp trong các vùng này.Thực hiện Đánh giá môi trường chiến lược cẩn trọng trong lựa chọn vị trí, công nghệ phù hợp đối với các khu công nghiệp lớn trước khi thực hiện Đánh giá tác động môi trường một cách chặt chẽ cho từng dự án nhằm đưa ra những quyết định mang tầm chiến lược bảo vệ nguồn nước hay “mạch máu” của ĐBSCL.

Xem xét lại chiến lược “an ninh lương thực”, giảm việc canh tác thâm canh ba vụ lúa mỗi năm để tăng không gian trữ lũ, hạn chế xâm nhập mặn và giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp.

Thêm vào đó, do tình hình hạn-mặn cực đoan năm 2016 gây ra thiệt hại lớn về nông nghiệp và ngành thủy sản nuôi ở ĐBSCL, đã có những đề xuất về giải pháp quyết liệt nhằm đối phó với hạn mặn bằng biện pháp công trình lớn như đê ven biển và thậm chí đắp cửa sông lớn để ngăn và kiểm soát mặn. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là nên thận trọng, không nên vội vã lấy một sự kiện cực đoan làm chuẩn cho chiến lược lâu dài mà phải dựa trên xu thế diễn biến nhiều năm. Các công trình lớn, mang tính vĩnh viễn, có chi phí đắt đỏ, có thể gây hối tiếc về sau vì có khả năng gây xáo trộn rất lớn đối với điều kiện tự nhiên và hệ sinh thái. Chế độ thủy văn, hệ sinh thái, sinh kế người dân, và nét văn hóa ĐBSCL chịu ảnh hưởng rất lớn của chế độ thủy triều từ Biển Đông và Biển Tây hàng ngày (nước lớn, nước ròng) và hàng tháng (nước rong, nước kém). Khi bất cứ một cửa sông nào bị chặn lại bởi công trình, sự liên lạc sinh thái giữa sông và biển sẽ bị cắt đứt, tôm cá, thủy sinh vùng ven biển sẽ không di chuyển vào ra được. Nếu bên trong không còn chịu ảnh hưởng triều, không còn nước lớn, nước ròng, độ mặn thay đổi, thì hệ sinh thái sẽ hoàn toàn biến dạng. Do đó, “nguyên tắc không hối tiếc” cần được áp dụng triệt để để tránh những quyết định có thể mang lại những hệ lụy đáng tiếc và nên ưu tiên giải quyết những thiếu hụt trong thích ứng ở hiện tại để củng cố sức khỏe của hệ sinh thái.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL

Nguồn trích dẫn: Thegioimoitruong.vn

THỐNG KÊ TRUY CẬP

90598
Hôm nayHôm nay101
Hôm trướcHôm trước108
Tuần trướcTuần trước461
Tháng trướcTháng trước1581
All daysAll days90598
Số khách trực tuyến 3
Trung tâm Nghiên cứu thích ứng Biến đổi khí hậu và Hỗ trợ phát triển Cộng đồng
Địa chỉ: 105, Kiên Thị Nhẫn, Phường 7, Tp. Trà Vinh
Điện thoại: 02943.862357; email: trungtamcrcs@tvu.edu.vn